Điện Biên: Độc đáo mô hình “ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa
14:48 - 28/05/2020
(TN&MT) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa, các đơn vị trong tỉnh Điện Biên đã và đang có nhiều nỗ lực và hành động quyết liệt thông qua nhiều phong trào và mô hình cụ thể. Một trong những hoạt động nổi bật, mang lại giá trị “kép” đang được các đoàn viên, thanh niên huyện Ðiện Biên hưởng ứng nhiệt tình, đó là biến những nguyên vật liệu sẵn có thành “ngôi nhà xanh”, “ngôi nhà 200 đồng”, vớ
"ngôi nhà xanh” hành động nhỏ, ý nghĩa lớn |
Hưởng ứng phong trào phòng, chống rác thải nhựa do Trung ương Đoàn phát động, từ đầu tháng 5/2020, đoàn viên thanh niên các xã: Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa, Núa Ngam, huyện Điện Biên (Điện Biên) đã cùng nhau triển khai một hoạt động đầy ý nghĩa: Thiết kế những “ngôi nhà xanh”, "ngôi nhà 200 đồng" thu gom phế liệu và rác thải nhựa tại các trường học trên địa bàn huyện. Mô hình “ngôi nhà xanh” được các đoàn viên, thanh niên làm từ những nguyên vật liệu tận dụng, như: Sắt thép, lưới B40, tấm tôn… Qua đôi bàn tay khéo léo của các đoàn viên, thanh niên, những “ngôi nhà xanh” với nhiều kích thước khác nhau được thiết kế phù hợp với các lứa tuổi các em học sinh .
Không được đào tạo bài bản về cơ điện, xây dựng song mỗi đoàn viên, thanh niên đều tham gia một phần việc cụ thể với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm cao nhất. Anh Trần Văn Cường, Bí thư Ðoàn xã Thanh Nưa có nhiệm vụ hàn xì, gắn các mấu nối làm khung nhà. Anh Cường cho biết: “Mỗi ngôi nhà xanh” được thiết kế hết sức đơn giản, với diện tích trung bình khoảng 1 - 2m2, lợp mái tôn. Chiều cao thì tùy ý, nhưng phải phù hợp với học sinh ở các trường. Ðảm bảo làm sao gọn nhẹ, thuận tiện cho học sinh sử dụng và có thể di chuyển được để chứa các loại phế liệu mà không lo bị mưa ướt.
Mô hình "ngôi nhà xanh" sẽ tạo nguồn thu để giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. |
Chị Lò Thị Thúy, Bí thư Ðoàn xã Thanh Luông cho biết: Vật liệu làm nhà do đoàn viên, thanh niên trong xã tận dụng và quyên góp từ các gia đình trong các thôn, bản. Lúc đầu triển khai thực hiện mô hình “ngôi nhà xanh” tưởng sẽ gặp khó khăn, do phải mất nhiều thời gian, trong khí đó hầu hết đoàn viên, thanh niên trong xã làm nông nghiệp, thời gian nông nhàn không nhiều. Song với mục đích và ý nghĩa của mô hình hướng đến nên việc triển khai mô hình này đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng rất cao của đoàn viên, thanh niên.
Ðại diện Chi đoàn LÐLÐ tỉnh và Ðoàn xã Núa Ngam bàn giao “ngôi nhà 200 đồng” cho Trường THCS Núa Ngam. Ảnh Hà Linh |
Mỗi “ngôi nhà xanh” sau khi hoàn thành được Ban chấp hành đoàn xã Thanh Luông bàn giao cho các trường học trên địa bàn để nhà trường hướng dẫn, tuyên truyền học sinh sử dụng hiệu quả, qua đó góp phần giảm thiểu các loại rác thải nhựa xả ra môi trường. Tùy thuộc tình hình cụ thể mỗi tuần hoặc mỗi tháng, khi “ngôi nhà xanh” đầy phế liệu, Đoàn xã phối hợp với Ban giám hiệu các trường tổ chức phân loại mang đi bán, gây quỹ khuyến học hỗ trợ học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với mục tiêu phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, một tên gọi khác, “Ngôi nhà 200 đồng” của Chi đoàn thanh niên Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Điện Biên phối hợp cùng Ðoàn thanh niên xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) cũng mới hoàn thành và bàn giao cho 2 trường Tiểu học và THCS Núa Ngam. Không có điều kiện quyên góp các nguyên vật liệu để làm nhà, Chi đoàn LÐLÐ tỉnh và xã Núa Ngam đã kêu gọi, phát động các đoàn viên thanh niên ủng hộ kinh phí và ngày công để làm “ngôi nhà 200 đồng” chi phí cho mỗi ngôi nhà là 2.000.000 đồng. Ngôi nhà được thiết kế bằng khung thép chắc chắn, lợp mái tôn, ngôi nhà sẽ là nơi chứa các loại rác có giá trị 200 đồng, như: Vỏ lon, chai nước ngọt, giấy bìa…
Anh Vì Văn Sinh, Bí thư Ðoàn xã Núa Ngam, cho biết: Trên địa bàn xã Núa Ngam còn nhiều học sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong khi đó, kinh phí Đoàn lại hạn hẹp, rất khó để tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho các em. Chính vì vậy, mô hình “Ngôi nhà 200 đồng” không chỉ đơn giản là giáo dục ý thức phòng, chống rác thải nhưa, bảo vệ môi trường, mà chính từ việc “làm nhỏ, ý nghĩa lớn” của mô hình sẽ tạo nguồn thu để giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Qua đó, giáo dục các em về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau.
Với ý nghĩa đó, ngay những ngày đầu “ngôi nhà xanh” được bàn giao và đặt trong khuôn viên các trường đã thu hút đông đảo học sinh hưởng ứng, đã có những “ngôi nhà xanh” chỉ sau thời gian ngắn đã chứa đầy phế liệu.
Những “Ngôi nhà xanh” nhỏ bé đang được gây dựng ở khắp các trường học trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã và đang góp phần tích cực phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. |
Anh Lê Ngọc Hoàn, Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Ðiện Biên cho biết: Ý tưởng về những ngôi nhà thu gom phế liệu được phát động trên cơ sở tham khảo từ nhiều địa phương khác. Cùng với đó, khi khảo sát thực tế tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Ðiện Biên, chúng tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng các loại đồ ăn, thức uống được đóng trong các chai nhựa, lon, hộp giấy… của học sinh là rất lớn. Tuy nhiên, các em lại chưa biết cách hoặc chưa ý thức được việc phân loại, thu gom các loại rác thải này đúng nơi quy định.
Trong khi đó, chúng ta đều biết tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường là rất lớn. Chính vì vậy, chúng tôi đã phát động các chi đoàn cơ sở bằng nguồn kinh phí của đơn vị mình, hoặc tận dụng các nguyên vật liệu ở địa phương để xây dựng các “Ngôi nhà xanh” tặng lại các nhà trường. Bước đầu, phong trào không chỉ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đoàn viên, thanh niên cơ sở mà đã tạo nên hiệu ứng tốt đối với học sinh. Mục tiêu hướng đến của Huyện đoàn Điện Biên là mỗi nhà trường đều có ít nhất 1 ngôi nhà xanh. Sau đó sẽ tiếp tục vận động nhân rộng ra cộng đồng.
Với những “Ngôi nhà xanh” nhỏ bé đang được gây dựng ở khắp các trường học trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã và đang góp phần tích cực phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, những hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn như thế, khi được lan tỏa sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn với việc tạo dựng nên một xã hội xanh - sạch - đẹp, văn minh.